Hươu phàm ăn, ít kén chọn thức ăn. Nó dễ thích nghi với điều kiện chăn nuôi ở các vùng khác nhau. Các loại thức ăn xanh như các cây thuộc họ “thảo bản” và “mộc bản” hươu đều ăn. Các loại lá cây có vị đắng, cay, chua, ngọt cũng đều thích hợp với khẩu vị của hươu. Tuy nhiên, chúng ưa thích nhất vẫn là: mầm lộc cây non, cỏ non, các loại cây họ đậu lúc có nụ hoa, mầm đậu, cây mục túc v.v…
Nước ta thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, bốn mùa đều có cây lá xanh tươi. Vùng đồng bằng, trung du, miền núi đều có rất nhiều loại cây thích hợp làm thức ăn cho hươu, kể cả những lá cây vườn như lá đa, lá đề, lá nhãn, lá vải, lá mít, lá chuối, lá mận, lá đào, lá tre, lá mía, các loại cây phân xanh v.v… Điều này rất quan trọng đối với việc tuyển chọn các loại thức ăn cho hươu nuôi nhốt.
1. Thức ăn xanh, tươi cho hươu sao
Loại thức ăn này chứa lượng nước cao từ 60 – 80% bao gồm các loại cỏ, cây trong vườn, củ quả, phụ phẩm nông nghiệp, các loại cây trong rừng v.v… Thức ăn xanh chứa từ 2 – 5% prôtêin và một lượng lớn chất khoáng. Trong thức ăn loại củ như khoai lang, củ cải, cà rốt v.v… có chứa rất nhiều đường và kali. Trong cà rốt còn chứa nhiều carôten, là thức ăn bổ sung vitamin tốt nhất trong mùa đông và mùa xuân. Hươu rất thích ăn.
Thức ăn xanh là loại thức ăn chủ yếu, mỗi ngày hươu sao trưởng thành có thể ăn từ 3 – 6 kg còn hươu ngựa có thể ăn 6 – 10 kg.
Trong tự nhiên, thức ăn của hươu sao chủ yếu là những loại thực vật giàu chất xơ, các loại cỏ, lá. Đôi khi chúng gặm cả vỏ cây, quả cây trong rừng. Có khoảng từ 86 – 132 loài thực vật được hươu sao sử dụng làm thức ăn. Mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi, chúng cần số lượng cũng như chất lượng thức ăn khác nhau.
Hươu sao ưa thích các loại lá cây chứa hàm lượng prôtêin và hàm lượng chất xơ nhiều gấp 5 lần hàm lượng lipit, còn hàm lượng gluxít nhiều gấp 8 lần hàm lượng lipít. Nếu lấy lipít làm chuẩn để so sánh thực đơn thiên nhiên thì tỷ lệ thành phần các chất dinh dưỡng trong thức ăn của hươu sao là: 5 Prôtêin (đạm): 8 Gluxil (đường): 5 Celulose (xơ): 1 Lipít (béo).
Hươu sao có thể sử dụng nhiều loài thực vật khác nhau làm thức ăn. Tuy nhiên, tuỳ vào thời tiết khí hậu và điều kiện sinh lý cơ thể mà tập tính sử dụng thức ăn của hươu thay đổi. Căn cứ vào tập tính, người nuôi hươu điều chỉnh các loại thức ăn thực vật cho hươu trong quá trình nuôi dưỡng theo mùa.
2. Thức ăn phơi khô nuôi hươu sao
Trong vụ hè thu có thể phơi khô các loại cây, cỏ, phụ phẩm nông nghiệp để dành cung cấp thức ăn qua mùa đông. Việc phơi khô phải kịp thời. Quá trình chế biến và bảo quản cần phải đề phòng mưa, dột gây mốc, biến chất.
Các phụ phẩm nông nghiệp như dây lang, cây lạc, cây đỗ v.v… thái nhỏ phơi khô là nguồn thức ăn tốt để nuôi hươu trong mùa đông hoặc thời kỳ giáp vụ. Hươu trưởng thành mỗi ngày có thể ăn 2 – 3 kg cỏ khô hoặc lá khô.
3. Thức ăn hạt
Bao gồm các loại hạt cốc (gạo, ngô, tiểu mạch, đại mạch và cao lương v.v…). Những loại thức ăn này dinh dưỡng phong phú, tỷ lệ tiêu hóa cao, là vật chất không thể trong quá trình sinh trưởng phát dục của hươu.
Trong quá trình nuôi hươu, cần căn cứ vào từng giai đoạn sinh lý của đàn hươu: như giai đoạn mọc lông nhung, giai đoạn thai nghén và giai đoạn cho con bú để bổ sung các loại thức ăn thích hợp cho hươu.
4. Các loại thô dầu
Chủ yếu là sản phẩm phụ trong công nghiệp chế biến lương thực và ép dầu như: khô dầu đậu tương, khô dầu lạc, khô dầu cám, cám mạch và cám gạo v.v…
Thức ăn loại khô dầu chứa chất dinh dưỡng rất phong phú, là loại thức ăn hươu thích ăn. Các loại khô đậu tương và khô lạc được coi là loại thức ăn protit chủ yếu của hươu.
5. Khoáng chất
Khoáng chất là các loại muối vô cơ, thường gồm bột đá vôi, bột vỏ trứng, bột xương và muối ăn v.v… Nó cung cấp các chất Ca, P, Na, C1 v.v… rất cần thiết cho quá trình sinh trưởng, phát triển bình thường của hươu. Vì vậy, trong quá trình nuôi hươu cần chú ý bổ sung các loại khoáng chất.