Thay vì chăn nuôi manh mún, lạc hậu và luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, người dân Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã thay đổi chăn nuôi tập trung trong các trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại để mang lại sự an toàn và hiệu quả cao…
Trang trại chăn nuôi lợn tập trung của ông Nguyễn Văn Sửu (thông Tân Thành, xã Tân Lộc) xây dựng cách đây 5 năm, được xem là mô hình tiên phong trong xu hướng hiện đại hóa nền chăn nuôi ở Lộc Hà. Trang trại này rộng 5 ha, đã được xây dựng kiên cố, bài bản, công năng sử dụng cao, có 10 khu chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải (biogas) đổ bê tông… với số tiền đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng.
Những trang trại chăn nuôi tiền tỷ ở miền biển Hà Tĩnh
Trang trại chăn nuôi lợn tập trung của ông Nguyễn Văn Sửu (xã Tân Lộc) được xem là mô hình tiên phong trong xu hướng hiện đại hóa nền chăn nuôi ở Lộc Hà.
Ông Sửu cho biết: “Trang trại của chúng tôi nuôi khép kín, tuân thủ đầy đủ các quy trình nên đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP đầu tiên ở Hà Tĩnh (năm 2018). Hiện nay, ngoài 350 con lợn nái, tôi còn nuôi 3 - 4 lứa (mỗi lứa 6.000 con) lợn thịt/năm. Trừ chi phí sản xuất, trang trại cho lãi từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 15 người với mức lương 7 - 10 triệu đồng/tháng”.
Trên địa bàn Lộc Hà hiện có nhiều mô hình trang trại nuôi lợn tập trung theo hướng hàng hóa, hiện đại và hiệu quả. Trong số này có thể kể đến: HTX 27/7 (Thịnh Lộc) với quy mô 1.200 con lợn thịt/lứa; HTX Tân Trường Sinh (Thạch Mỹ) với 2.400 con lợn thịt/lứa; HTX Thanh niên Thượng Phú (Hồng Lộc) với 1.200 con lợn thịt/lứa…
Tất cả các trang trại nuôi lợn quy mô lớn của xã Thạch Mỹ đều được xây dựng kiên cố, hiện đại, xa khu dân cư, có biện pháp bảo vệ môi trường...
Theo số liệu thống kê, hiện nay, đàn lợn trên địa bàn Lộc Hà có 12.355 con, đại đa số đang được nuôi theo hướng công nghiệp trong các trang trại và phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 15.500 con. Trong 5 năm qua, bình quân sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ở Lộc Hà đã đạt 2.056 tấn/năm, phấn đấu 5 năm tới sẽ đạt mức bình quân gần 2.500 tấn, mang về nguồn thu hàng trăm tỷ đồng…
Cải thiện các đàn vật nuôi chủ lực khác
Cùng với đàn lợn, người chăn nuôi ở Lộc Hà đã đổi mới tư duy, thay đổi phương thức để phát triển và từng bước “nâng chất” đàn bò. Những vùng có thế mạnh về địa hình, nhân lực như: Hồng Lộc, Tân Lộc, Thịnh Lộc… đã được phát huy để chăn nuôi gia súc lớn. Nhờ vậy, đàn trâu bò hiện có 13.119 con và đang có xu hướng tăng dần.
Những trang trại chăn nuôi tiền tỷ ở miền biển Hà Tĩnh
Với mức giá 50 - 60 triệu đồng/con bò 3B trưởng thành như hiện nay, người chăn nôi ở Lộc Hà (nhiều nhất là Tân Lộc và Hồng Lộc) đã nuôi bò nhốt quy mô lớn...
Hiện nay, ở Lộc Hà có rất ít hộ nuôi trâu bò nhỏ lẻ, thay vào đó là những mô hình nuôi trên 5 con/lứa, cá biệt có 162 hộ nuôi trên 10 - 30 con/lứa. Ngoài ứng dụng KHKT, sử dụng thức ăn công nghiệp, cải tạo chuồng trại… thì đàn bò cũng đã cơ bản lai hóa với số có tỷ lệ máu lai trên 70% chiếm khoảng 60% tổng đàn. Điều này giúp tăng trọng lượng từ 150 - 200 kg/con bò cỏ trưởng thành lên 400 - 500kg/con bò lai, cho hiệu quả kinh tế từ 500 - 600 ngàn đồng/con/tháng.
Ngoài đàn lợn 1.200 con thì mỗi năm HTX Thanh niên Thượng Phú (Hồng Lộc) còn xuất chuồng hàng chục con bò lai để có thêm lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.
Cùng đó, các trang trại, gia trại nuôi gà, vịt có quy mô từ 300 - 40.000 con/lứa với đủ các hình thức như: nuôi thương phẩm, nuôi lấy trứng, nuôi liên kết, nuôi nông hộ… cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên đất Lộc Hà, góp phần đưa đàn gia cầm của toàn huyện đạt 395.000 con, tăng 109.000 con so với cách đây 5 năm và phấn đấu trong những năm tới sẽ đạt 415.000 con. Các địa phương ưu tiên phát triển là: Thịnh Lộc, Tân Lộc, Ích Hậu, Thạch Mỹ…
Với quy mô 40.000 con gà thịt/lứa, mỗi năm HTX Chăn nuôi Tài Lực (xã Bình An) có lãi khoảng 1,5 tỷ đồng
Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết: “Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, tập quán sản xuất và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ. Nhờ vậy, ngành chăn nuôi của huyện nhà đã phát triển mạnh theo hướng nuôi trang trại liên kết với doanh nghiệp, tích cực ứng dụng KHKT, gắn phát triển tổng đàn với phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ”.
Cũng theo Trưởng phòng NN&PTNT Võ Tá Bình, sắp tới, huyện sẽ tập trung rà soát, tổ chức ngành chăn nuôi theo hướng mở rộng đối tượng nuôi, phát triển quy mô đàn theo nhu cầu thị trường; phát triển bền vững các chuỗi liên kết trong chăn nuôi quy mô lớn; gắn sản xuất lâm nghiệp, trồng cây dược liệu với chăn nuôi; gắn phát triển đàn với bảo vệ môi trường…