Toàn xã Sơn Quang có tới 95% hộ gia đình tham gia nuôi hươu với tổng đàn gần 3.000 con.

Về Hà Tĩnh, không ai không biết tiếng đến nuôi hươu ở huyện miền núi Hương Sơn. Nhiều năm qua, con hươu đã giúp cho kinh tế địa phương có nhiều khởi sắc. Và nghề chăn nuôi hươu lấy nhung được xem như mũi nhọn phát triển kinh tế của vùng.

Với sản lượng gần 1,2 tấn nhung hươu/năm (ước tính khoảng 15 tỷ đồng), xã Sơn Quang được coi là xã trung tâm của “thủ phủ” hươu nhung Hướng Sơn. Toàn xã có tới 95% hộ gia đình tham gia nuôi hươu với tổng đàn gần 3.000 con. Sản lượng nhung hươu năm 2018 của xã đạt 1,2 tấn, nguồn thu từ hươu chiếm 55% tổng thu nhập trên địa bàn.

Phát huy lợi thế địa bàn có diện tích đất màu lớn với 230 ha đất trồng ngô và 22 ha đất trồng cỏ,  nhiều năm qua, lĩnh vực chăn nuôi trong đó có con hươu sớm trở thành vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao với vai trò kinh tế mũi nhọn.

Upload
Một con hươu đang nhú lộc nhung của một hộ chăn nuôi ở xã Sơn Quang.

Thời điểm hiện tại, nhiều gia đình đã cơ bản thu hoạch xong nhung lứa thứ 2, đang tích cực chăm để thu hoạch lứa thứ 3. Việc được thu nhung hươu lứa thứ 3 xưa nay ở xã khá hiếm. Tuy nhiên, hiện nay do chú trọng chất lượng con giống bằng cách sàng lọc đàn thường xuyên, nên chất lượng, sản lượng nhung ngày càng tăng. Số hộ được thu hoạch lứa thứ 3 tăng lên cả chục, thu nhập của người chăn nuôi ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Anh Nguyễn Đức Thiệp, người thôn Đồng Hà, xã Sơn Quang chia sẻ: “Nhà tôi có 6 hươu đực và 3 hươu cái. Vui nhất là năm nay có 2 con cho nhung lứa thứ 3, đặc biệt có 1 con 3 lần cho nhung với sản lượng gần 4 kg. Tính cả thu nhập từ nhung và hươu con năm nay gia đình tôi thu về được hơn trăm triệu đồng”.

Ông Phạm Văn Sơn, cùng thôn có đàn hươu 8 con cũng đã cho thu nhập gần 130 triệu đồng từ nhung và tiền bán hươu con. Ông Sơn cho biết: “Năm nay 8 kg nhung, tôi đã thu về được 88 triệu đồng. Ngoài ra, tôi bán 2 con hươu đực giống được 25 triệu nữa…năm nay với tôi là một năm “trúng quả”.

Còn anh Lê Văn Tuấn ở thôn Bảo Trung cho biết: “Gia đình tôi nuôi 9 con hươu, trong đó có 8 con đực nhưng hầu như mới cho nhung ở mùa đầu nên năm nay chỉ được khoảng 3 kg. So với năm trước, vào chính vụ, giá chỉ 8-9 triệu đồng/kg nhưng năm nay từ đầu vụ đến cuối vụ giá nhung được thu mua ổn định với mức 11 - 12 triệu đồng/kg, vì thế sản lượng tuy còn thấp nhưng thu nhập lại được cải thiện".

Đặc biệt trong xã có những hộ nuôi hươu số lượng nhiều như hộ anh Nguyễn Văn Tin, hiện tổng đàn của anh lên đến gần 30 con. Mỗi năm trừ chi phí thu lời về cho gia đình hàng trăm triệu đồng.

Nhung hươu sau khi thu hoạch được bảo quản cẩn thận chờ khách đến lấy

“Từ năm 2016, thấy hươu tạo thu nhập khá nên gia đình tôi bắt đầu đầu tư nuôi quy mô 30 con và duy trì ổn định số lượng cho đến nay. Trung bình, mỗi năm thu nhập từ bán nhung hươu và hươu giống đạt khoảng 250 - 300 triệu đồng” – anh Tin chia sẻ.

Được biết, nghề nuôi hươu ở Sơn Quang cũng trải qua bao thăng trầm. Năm 2017, khi giá trâu bò giảm, giá hươu cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là hươu giống giảm đến gần một nửa (hươu cái 3 đến 3,5 triệu đồng/con, hươu đực 8 triệu đồng/con) khiến không ít gia đình lo sợ, một số người đành bán bớt con giống, thậm chí có nhà tạm thời không nuôi.

Thế nhưng, phát huy lợi thế nghề truyền thống và cũng là niềm hy vọng để làm giàu nên bà con vẫn cố gắng giữ nghề. Người bán đi, người mua lại để sàng lọc đàn nên tổng đàn hầu như vẫn được đảm bảo.

Tìm hiểu về kỹ thuật nuôi chúng tôi được biết, nuôi hươu cần một diện tích nhất định đủ xây dựng chuồng trại cho hươu ở, có khoảng không gian rộng rãi cho hươu đi lại, chạy nhảy. Điều quan trọng là phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho hươu bằng các loại lá rừng mà hươu thường ăn như lá sung, lá mít, lá vải…bởi những loại lá này giàu chất dinh dưỡng, giúp cho nhung hươu nhanh lớn, nhanh dài có giá trị kinh tế cao.

Do tính chất dễ nuôi, dễ chăm sóc lại cho thu nhập cao nên không riêng ở Sơn Quang, hươu được nuôi hầu hết ở các xã thuộc địa bàn huyện Hương Sơn như: Sơn Lâm, Sơn Trung, Sơn Giang…tuy nhiên nổi bật vẫn là xã Sơn Quang, do địa phương có lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu lý tưởng nhất cho đàn hươu phát triển.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Sơn Quang cho biết: Toàn xã chúng tôi hiện có trên 200 hộ nuôi từ 5 con trở lên, trong đó có trên 20 hộ nuôi từ 20 con trở lên với tổng đàn gần 3.000 con. Có khoảng 100 hộ cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Dự kiến hết năm nay, nhân dân xã Sơn Quang thu được 9 tạ nhung và xuất bán hơn 400 con hươu giống, cho thu nhập khoảng gần 12 tỷ đồng.

Tìm hiểu mở rộng chúng tôi được biết, hiện nay, toàn huyện Hương Sơn có tổng đàn hươu đạt hơn 36.000 con, trong đó 20.000 con hươu đực đã cho lộc nhung, với hàng trăm mô hình nuôi quy mô trên 20 con, trong đó, 9 mô hình nuôi từ 50 - 100 con. Số hộ nuôi từ 4 -5 con trở lên có tới hàng chục nghìn hộ. Trung bình một năm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thu về khoảng 200 tỷ đồng tiền bán nhung và hươu giống.

Thông thường, nhung đầu vụ sẽ bán được giá khoảng 12 triệu đồng/kg; vào chính vụ, giá dao động khoảng 9-11 triệu đồng/kg; cuối vụ, có lúc còn 8,5 - 9 triệu đồng/kg. Một con hươu vào tuổi cho nhung sung sức, nếu giống tốt, chăm sóc tốt, trung bình mỗi năm sẽ cho trên 1 kg nhung, thu 11 triệu đồng. Một số con có thể cho đến 1,5 kg mỗi năm, cho thu nhập khoảng 16 triệu đồng. Như vậy, mỗi nhà nông chỉ cần nuôi 3-4 con hươu, mỗi năm cũng có thu nhập hàng chục triệu đồng, đó là chưa kể nhiều con chon nhung đến 2 lần/năm.

Theo Đông y, nhung hươu là một trong bốn vị thuốc đại bổ cho sức khỏe con người. Sản phẩm này chứa nhiều thành phần vi chất, chủ yếu là Keratin hay còn gọi là chất sừng, ngoài ra còn có các loại axid amin quý, cytein, lencin, tyrosin, axid glutamic, arginin, alanin, lysin… và các muối canxi.

 
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn trao đổi với báo chí.

Về chiến lược phát triển con hươu tại địa phương, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Ngoài chính sách của tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện, hàng năm, huyện Hương Sơn chúng tôi đã có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi mở rộng quy mô chuồng trại, mua con giống; hỗ trợ tập trung sơ chế, chế biến, quảng bá sản phẩm... Đối với những hộ chăn nuôi mới từ 20 con hươu trở lên được hỗ trợ 20 triệu đồng, từ 100 con hươu trở lên được hỗ trợ 150 triệu đồng. Nhờ chính sách kích cầu, từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, người dân Hương Sơn đã biết mở rộng quy mô, liên kết sản xuất...

Được biết, ngày 28/2/2019, sản phẩm nhung hươu Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00072, trên phạm vi 32 xã, thị trấn thuộc huyện Hương Sơn. Đồng thời, theo giấy chứng nhận này, danh tiếng của nhung hươu Hương Sơn được quyết định bởi tính chất đặc thù về điều kiện địa lý, quy trình kỹ thuật chăn nuôi.

Đại diện lãnh đạo huyện Hương Sơn cho biết thêm: Ở góc độ pháp lý, hoạt động chăn nuôi trên tuân của địa phương thủ theo đúng quy định của pháp luật về việc nuôi hươu sao đã được thuần hóa.

Cụ thể, Điều 67 Luật Chăn nuôi quy định: “Tổ chức, cá nhân chỉ được phép nuôi hươu sao đã được thuần hóa, có nguồn gốc hợp pháp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc của hươu sao được nuôi.

Tổ chức, cá nhân nuôi hươu sao phải có chuồng nuôi phù hợp với đặc tính sinh học của hươu sao, bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật…”./.