Đàn hươu sao của ông Hùng rất thân thiện và gần gũi với con người.
Bình thường, những người nuôi hươu phải nhốt vào các chuồng gỗ chắc chắn, thậm chí phải che đậy kín để tránh tiếp xúc với người lạ. Tuy nhiên, ghi nhận tại trang trại ông Hùng, không chỉ với chủ nuôi, những con hươu ở đây khá thân thiện ngay cả với khách lạ.
Chúng tôi thoái mái vui đùa, tiếp xúc với những chú hươu này. Những chú hươu con vẫn còn vẻ nhút nhát với khách lạ, nhưng với vợ chồng ông Hùng thì chúng sẵn sàng cắn vào tay, kéo áo người để đòi thức ăn.
Khoảng năm 2010, ông Hùng bắt đầu tìm hiểu về hươu, sau đó tìm mua hươu giống về nuôi tại trang trại để phát triển kinh tế. Ông kể: “Ban đầu, tôi mua gần 10 con hươu giống để về nhân đàn. Tuy nhiên, rất khó để tiếp cận với hươu để kiểm tra sức khỏe, khám chữa khi chúng mắc bệnh hay bỏ ăn. Nếu như hươu mắc bệnh coi như phải bỏ đi, thực tế thời gian này có một số con bị chết mà không thể cứu chữa được. Đáng nói hơn, tôi nuôi hươu theo hình thức tự nhân đàn, trong khi hươu sinh sản rất dễ gặp tình trạng ngược thai, nếu không can thiệp hươu con sẽ bị chết”.
Do hươu con chết nhiều, không thể nhân giống nên có thời điểm ông Hùng đã có ý định bỏ nghề nuôi hươu. Sau đó, ông nghĩ ra sáng kiến thuần phục đàn hươu vừa thuận tiện chăm sóc, vừa có thể tạo điều kiện để phát triển du lịch sinh thái về sau nếu trang trại đủ điều kiện. Kể từ đó, ông lại đi học nghề nuôi hươu, tìm hiểu về tập tính đàn hươu.
“Kinh nghiệm mà tôi học được là đàn hươu rất thích và nghiện ăn muối. Năm 2016, tôi về quy hoạch lại trại hươu, dành hẳn vài sào đất để nuôi, xung quanh làm hàng rào kiên cố và thả con giống vào trong. Chính giữa tôi đổ các tấm bê tông nhỏ bằng cỡ viên gạch hoa, đặt cách nhau một bước chân tạo thành lối đi. Ban đầu, tôi đặt muối vào tấm bê tông ở xa nhất rồi bước lùi về sau, khi hươu thấy đủ khoảng cách an toàn và tìm lại để ăn thì tôi dừng lại. Cứ một ngày tôi cho ăn, rồi một ngày cho nghỉ để hươu biết thèm. Dần dần tôi đứng gần đàn hươu hơn một chút. Ròng rã 2 năm, tôi có thể đứng chung với cả đàn và thoái mái vuốt ve, chơi đùa với chúng”, ông Hùng nhớ lại.
Hươu sao ở đây còn thân thiện với người lạ, thích được gãi đầu.
Từ năm 2018 đến nay, không có trường hợp nào hươu của ông Hùng bị chết. Riêng năm 2019, có 20 con hươu đẻ, trong đó có 8 con bị ngược thai, tuy vậy tất cả đều được đỡ đẻ, can thiệp và cứu kịp thời nên tỷ lệ sống 100%. Nhờ đó, đến nay, tổng đàn hươu của ông có đến nay 61 con, thu nhập năm 2018 từ nhung hươu đạt trên 100 triệu đồng.
"Để nuôi hươu có hiệu quả kinh tế cần chọn con giống tốt. Tôi sẵn sàng bỏ ra 40 triệu đồng để mua một con giống ưng ý dù giá thị trường chỉ khoảng 10 - 12 triệu đồng/con. Ngoài việc kiểm tra, theo dõi, hàng năm, tôi còn mời cán bộ thú y tiêm phòng theo quy định. 2 cây sung trồng giữa chuồng hươu không phải chỉ để làm cảnh mà còn làm thức ăn, hươu ăn quả sung sẽ hạn chế bị đau bụng", ông Hùng chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thủy Đỗ Công Anh cho biết: "Mô hình nuôi hươu của ông Hùng rất đặc biệt, mặc dù đi tham quan nhiều nơi nhưng tôi chưa thấy ở đâu con hươu lại thân thiện với người như vậy. Đây là cách làm hay cần được nhân rộng. Ngoài nuôi hươu, trang trại ông Hùng là mô hình kinh tế trang trại lớn nhất xã, ông nhiều năm đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đặc biệt, năm 2018 ông được vinh danh là nông dân xuất sắc toàn quốc."