Ai đã từng sinh ra ở làng quê, dù đi xa, sinh sống ở nơi nào cũng không thể quên hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình và không khí đi chợ mỗi độ Tết đến, Xuân về. Chợ quê, đặc biệt là chợ Trâu, chợ Bò ở chợ Gôi (Sơn Hòa) và chợ Choi (Sơn Hà) của vùng đất Kẻ Choi, Kẻ Gôi ngày xưa vẫn được duy trì vào dịp 19, 20 giáp tết ở vùng hạ huyện Hương Sơn. Ở đó, người ta tìm đến chợ không chỉ để thỏa mãn mua bán hàng hóa mà còn là nơi giao lưu tình cảm, thể hiện nét đẹp văn hóa của vùng quê.
Cũng giống như các vùng nông thôn khác của Hà Tĩnh, ở huyện Hương Sơn mỗi xã, mỗi vùng đều có một cái chợ. Chợ của xã nào, vùng nào thì có tên gọi của địa phương nơi đó và được gọi chung là chợ quê hay chợ làng. Nhưng nét đặc sắc của chợ Choi, chợ Gôi là mỗi tháng chợ họp 15 ngày, với sự luân phiên nhau theo quy luật “Lẽ Gôi”, “Đôi Choi”. Đặc biệt chợ Gôi, chợ Choi có 2 phiên chợ lịch sử là chợ Trâu và chợ Bò đã đi vào đời sống các thế hệ con em Hương Sơn từ bao đời.
Trong màn sương mờ của buổi sáng sớm, chợ tết nói chung và chợ Trâu, chợ Bò nói riêng đã rất đông người qua lại buôn bán, không những là người dân địa phương và các xã lân cận của huyện mà còn là của các nơi trong và ngoài tỉnh. Chợ Trâu, chợ Bò được hình thành từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thuộc Tổng An ẤP. Trải qua nhiều biến động lịch sử nhưng chợ Trâu chợ Bò vào dịp 19, 20 tháng Chạp vẫn giữ được hồn cốt của một phiên chợ quê xưa với đủ đầy các sản vật của khắp các vùng miền, nhưng đậm dấu ấn vẫn là những cặp trâu, cặp bò, hình ảnh tượng trưng cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp đặc tính của vùng miền lúa nước Việt Nam. Ở đó có bày bán mấy xếp lá dong, một vài nải chuối xanh, cây mía, trái bưởi, trái hồng, mấy mớ trầu không và buồng cau hái ở vườn nhà; có rổ, rá, dần, sàng, thúng, mủng từ bàn tay khéo léo của người dân tự đan bằng tre, nứa. Người chăn nuôi được thì mang cặp gà trống, vài con gà mái hoa bán để lấy tiền chi tiêu… đến đây người ta sẽ thưởng thức từng món ăn Tết, từng hương vị Tết ở khắp mọi miền sơn cước từ kẹo cu đơ của ông Cu Hai nức tiếng Hà Tĩnh đến món dê núi Hương Sơn, thịt nghé Sơn Hòa, bánh đúc, bánh đa, bánh vo..., các loại hoa trái đứng vào hàng vua chúa cũng được chưng bán đầy chợ đó là cam bù, cam chanh Hương Sơn,… thêm vào đó là những trò chơi dân gian như đánh đáo,…
Người ta tìm về với chợ quê ngày tết, thấy thân thương chi lạ. Thương từ những khuôn mặt lấm lem, chằng chịt dòng thời gian hằn vết chân chim khắc khổ, thương quần nâu, áo gụ và thương giọng nói quê nặng trịch. Về tết đi chợ Trâu, chợ Bò chẳng phải cố gắng giả giọng cho giống mọi người như lúc ở xứ người, cứ thế thoải mái dùng ngay giọng quê mình, gặp người quê mình sao mà sung sướng quá đỗi. Nhiều khi mua hàng, gặp người quen còn được tặng thêm, dù đó chỉ là mớ rau thơm, củ hành, củ tỏi cũng thấy ấm lòng biết bao nhiêu. Đi chợ Tết ở quê thích lắm, cũng chẳng phải đắn đo, lo lắng rau này có phun thuốc trừ sâu không, thịt lợn này có chất tăng trọng hay không. Tất cả dường như đều là cây nhà lá vườn với xuất xứ rõ ràng.
Với những người con xa xứ, cứ đến độ dịp chợ lại nao nao tìm về để được mua sắm, cả nhà lại về quê cùng ông bà, người thân ăn Tết. Tất cả, tất cả như theo chân họ suốt cuộc đời, chẳng thế mà một người con quê hương: ông Nguyễn Khắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sơn An Group, xa quê từ lúc 17 tuổi, với mong muốn khôi phục các phiên chợ truyền thống, nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu kinh doanh mua bán của người dân nơi đây đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mở rộng, nâng cấp, cải tạo chợ Gôi (Sơn Hòa).
Chợ quê chính là nơi phản ánh rõ nhất đời sống của người dân vùng quê đó. Những loại thực phẩm, rau củ, quả ở chợ quê vừa rẻ vừa chất lượng. Và đi chợ Trâu, chợ Bò bạn sẽ chạm tay vào những sắc đào, mai rực rỡ, những bông thược dược cánh to và dày đủ màu sắc, những bông cúc đại đóa vàng rực cả một góc chợ, những nắm lá dong, “đùm bánh”... thơm ngát cả đất trời. Màu hoa, mùi hương ấy sẽ theo về những căn hộ nhỏ và sẽ bừng lên rực rỡ trong những ngày đầu xuân mới, xua tan đi bao mệt nhọc của cả một năm dài lo toan./.